Hiệu ứng mảnh ghép chống bướu1,5 Ghép tế bào gốc tạo máu

Đó là hiện tượng xảy ra trong ghép tủy dị thân khi tác dụng miễn dịch từ tủy người hiến mang lại khả năng diệt những tế bào ác tính còn sót lại trong cơ thể người nhận. Đây là một trong những phát hiện về mặt sinh học đáng chú ý trong ngành ghép tủy và được coi là một trong những nguyên lý của ghép tụy dị thân.

Một trong những lý do làm tế bào ung thư tăng sinh, phát triển và lan tràn là do hệ thống miễn dịch cơ thể không coi đó là những tế bào bệnh. Ghép tủy sẽ mang lại những tế bào miễn dịch, những tế bào này nhận diện các tế bào ác tính là tế bào bất thường, và tiêu diệt chúng. Đây là một trong các cơ chế giải thích hiệu quả điều trị của ghép tủy dị thân. Tác dụng này thấy rõ hơn ở những bệnh lý diễn tiến chậm, như bệnh bạch cầu mãn, lymphôm grad thấp, một số dạng đa u tủy, ngược lại hiệu quả kém hơn ở những bệnh lý cấp như bạch cầu cấp.

Ở một số bệnh nhân tái phát sau ghép tủy dị thân, khả năng diệt tế bào bướu của tế bào nguồn gốc từ tủy ghép có thể được hồi phục lại nếu bệnh nhân được truyền thêm bạch cầu người hiến tủy trước đó (donor lymphocyte infusion)

Những so sánh cho thấy sự giảm nguy cơ bị bệnh mảnh ghép chống chủ đi kèm với sự gia tăng nguy cơ tái phát bệnh sau ghép tủy, việc loại bỏ tế bào lymphô T khỏi tủy ghép tăng tỉ lệ tái phát khi ghép tủy ở bệnh nhân bệnh bạch cầu tủy mãn. Việc điều trị ức chế miễn dịch ở bệnh nhân bị bệnh mảnh ghép chống chủ mãn cũng làm tăng tỉ lệ tái phát. Do đó một trong những mục tiêu sau ghép tủy là làm sao hạn chế được bệnh lý mảnh ghép chống chủ nhưng lại gia tăng hiệu quả mảnh ghép chống khối bướu.

Truyền bạch cầu của người hiến cho người nhận: Dựa trên hiệu ứng này mà một trong những cách điều trị tái phát sau ghép tủy là truyền lymphô T (Donor Leukocyte Infusion DLI) của người hiến cho người nhận. Có hai nghiên cứu tiền cứu lớn thực hiện ở châu Âu và bắc Mỹ trên những bệnh nhân bạch cầu tủy mãn tái phát sau ghép tủy dị thân, kết quả tổng kết cho thấy đáp ứng hoàn toàn sau truyền lymphô T từ người hiến tủy đạt được từ 60-80% [5]. DLI cũng có hiệu quả trong bệnh bạch cầu cấp, tuy nhiên đáp ứng thấp hơn nhiều, một vài nghiên cứu cho thấy đáp ứng hoàn toàn chỉ đạt 20-65% mà chủ yếu là bệnh bạch cầu tủy cấp. Đối với bạch cầu lymphô cấp, DLI gần như không hiệu quả.

Riêng vai trò của DLI trong các bệnh lý ác tính khác của hệ tạo huyết như lymphôm không Hodgkin, đa u tủy hiện chưa rõ ràng.

Biến chứng của DLI: những biến chứng quan trong đó là bệnh mảnh ghép chống bướu và tình trạng ức chế tủy. Ức chế tủy làm giảm các dòng tế bào máu xảy ra ở khoảng 34% các trường hợp.